Năm 2010, các cuộc biểu tình ở nước Anh và Ý cho thấy chính phủ đã oằn mình vì gánh nặng chi tiêu cho lĩnh vực này. Còn ở Mỹ, đa phần SV lại mắc nợ chính phủ vì phải vay tiền ăn học.
Anh, Ý đều muốn giảm ngân sách
Hàng chục nghìn SV tại thủ đô London đã ba lần liên tiếp trong tháng 11/2010 biểu tình đầy thách thức đối với Chính phủ khi Quốc hội thông qua dự luật tăng học phí ĐH gấp 3 kể từ năm 2012 (tới 9.000 bảng).
Quỹ GD đại học được đề nghị cắt giảm thêm 40% và chính phủ cho rằng sẽ bù vào khoản cắt giảm này bằng tiền học phí của SV.
SV đập phá cửa kính, ném thuốc nổ vào cảnh sát và bao vây tòa nhà đảng Bảo thủ của thủ tướng Anh David Cameron.
SV Anh cho rằng “GD làm nên một quốc gia” và buộc tội Chính phủ “bạc đãi” trí thức trẻ. Hội SV cũng đe dọa sẽ "e;hạ bệ"e; các lãnh đạo đảng đã không giữ lời hứa chống tăng học phí khi thực hiện chiến dịch tranh cử.
Aaron Porter, Chủ tịch Hội SV Quốc gia, một trong những người tổ chức biểu tình nghi ngờ việc tăng học phí không làm cho chất lượng GD tốt hơn mà có thể tồi tệ hơn. Trong khi đó, khảo sát của Viện chính sách GD đại học Anh nhận thấy các trường sẽ đưa ra mức phí 9.000 bảng để tránh bị xếp hạng là trường “chất lượng thấp”.
Tuy vậy, Thủ tướng David Cameron cho biết, sẽ không từ bỏ kế hoạch cải tổ học phí đại học và khẳng định đó là “một hệ thống tiên tiến hơn hệ thống mà nó sẽ thay thế”.
Tại nước Ý, SV xuống đường ở Rome hiền hòa hơn ở Anh, nhưng đã có xô xát ở Palermo và Sicily khi SV ném đá vào cảnh sát. Biểu tình cũng diễn ra khắp nơi: Milan, Venice, Turin và Perugia.
Mặc dù nước Ý chỉ chi 5% GDP cho GD, thấp hơn các nước phát triển khác, nhưng việc cắt giảm là không tránh khỏi khi chính phủ phải giải quyết công nợ.
Nước này quyết định tiết kiệm ngân sách chi cho GD khoảng 9 tỉ euro bằng cách giảm các khóa học, sát nhập các trường đại học nhỏ, giảm tài trợ nghiên cứu sinh, tăng vai trò của khối GD tư và rút ngắn thời hạn của hiệu trưởng.
Tại Pháp, từ đầu năm 2011, 90% các trường đại học sẽ thực hiện chế độ tự chủ. 9 trường nữa sẽ hoàn thành việc này trước ngày 11/8/2012. Các trường này sẽ phải tự quản lý nguồn nhân lực, ngân sách mà trước đây họ phải tuân theo sự hướng dẫn của Nhà nước.
Khủng hoảng vay nợ ăn học ở Mỹ
Năm 2009, 67% số SV tốt nghiệp ở Mỹ mang nợ, bình quân 24.000 USD mỗi người.
Đối với những SV vay từ các tổ chức tư nhân, gánh nặng nợ nần thậm chí còn lớn hơn.
Ngoài ra, con số trên còn chưa kể tới những khoản tiền mà phụ huynh vay cho con cái ăn học.
Số liệu của tổ chức FinAid.org cho thấy, nợ vay học tập của người Mỹ giờ đã lớn hơn nợ thẻ tín dụng.
Tổ chức này còn thiết lập một đồng hồ đo nợ vay học tập của nước Mỹ, cho thấy loại nợ này đang gia tăng với tốc độ 2.853 USD mỗi giây.
Với tốc độ này, dư nợ vay học tập của các SV Mỹ sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2012.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chi phí học tập bậc ĐH đang gia tăng với tốc độ cao gấp 2-3 lần tốc độ lạm phát và tăng nhanh hơn cả chi phí y tế.
Một phần nguyên nhân là do các bang chịu áp lực về thâm hụt ngân sách, cắt giảm hỗ trợ, buộc các trường phải tăng học phí.
Chính phủ đã có một số biện pháp tránh cho các cử nhân vỡ nợ đối với khoản vay từ thời SV.
Trong đó, có một chương trình cho phép con nợ giới hạn khoản tiền phải thanh toán hàng tháng ở một tỷ lệ nhất định so với thu nhập. Nếu con nợ trả nợ đều trong 25 năm, số nợ còn lại sẽ được xóa, nhưng bị đánh thuế thu nhập.
Ngoài ra, khoản vay có thể được xóa sau 10 năm nếu người vay làm việc cho khu vực nhà nước.
Tuy nhiên, chương trình này có nhiều hạn chế. Chẳng hạn, chỉ áp dụng cho các khoản vay từ Chính phủ liên bang và trong trường hợp người vay chưa bị vỡ nợ. Các khoản vay từ các tổ chức tư nhân không nằm trong diện áp dụng, trong khi ngày càng có nhiều SV vay từ đó.
Với đà leo thang của khủng hoảng nợ vay ăn học, Quốc hội Mỹ đang cân nhắc dự luật cho phép các con nợ vay học tập được phép nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Tú Uyên - Thái San (Tổng hợp)