Sinh trắc học có thể là một công nghệ hữu ích và tiện lợi, nhưng theo Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Mỹ, công nghệ này có thể làm suy yếu quyền lợi hợp pháp của một người. Đạo luật trên cấm chính phủ buộc nhân chứng phải phát ngôn bất lợi cho họ.
Ở Mỹ, tòa án hoặc cảnh sát có thể buộc bạn phải quét vân tay để mở khóa smartphone. Nhưng nếu điện thoại của bạn được khóa bằng mật khẩu, không ai có quyền buộc bạn mở nó, theo William J. Cook, luật sư của công ty luật Reed Smith ở Chicago, Mỹ. Ông là chuyên gia về luật công nghệ thông tin, quyền riêng tư, và bảo mật dữ liệu. Cook giải thích rằng có một sự khác biệt lớn giữa mật khẩu và mã sinh trắc học về mặt luật pháp.
Theo luật, một người có quyền không bộc lộ suy nghĩ của mình, bao gồm những thứ như mật khẩu. Nhưng vân tay là một phần của cơ thể, và không được bảo vệ về mặt thông tin theo luật của Mỹ. Đó là lý do tại sao khi một người bị bắt, họ phải chấp thuận lấy dấu vân tay, mặc dù vẫn được duy trì quyền im lặng. Suy nghĩ được bảo vệ, nhưng đặc điểm sinh trắc học (vân tay, mặt, tóc) thì không.
Kể từ khi Apple ra mắt Touch ID vào năm 2013, các chuyên gia về quyền riêng tư đã cảnh báo rằng công nghệ sinh trắc học có thể làm quyền im lặng của người dùng trở nên vô hiệu.
“Tu chính án thứ 5 bảo vệ quyền im lặng của một cá nhân, cho phép họ không nói bất cứ thứ gì bất lợi cho mình”, Paul Bond, luật sư của Reed Smith nói. “Mặc dù đạo luật này bảo vệ thông tin, nó không bảo vệ các vật thể hữu hình. Nếu bạn dùng chìa khóa hoặc đặc điểm sinh trắc học để xác thực thông tin thì bạn đã trao quyền cho cảnh sát truy cập nó trong tương lai rồi”.
Cook cho biết việc mở khóa smartphone và máy tính đang trở thành một vấn đề pháp lý nhạy cảm và sẽ sớm trở nên phổ biến. Trước đó, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã xin lệnh khám xét của tòa án để buộc các công ty như Apple mở khóa điện thoại của tội phạm tình nghi nhằm tìm chứng cứ phạm tội.
Các nhà chức trách Mỹ đang áp dụng Tu chính án thứ 5 nhiều hơn để mở khóa các thiết bị sử dụng hệ thống nhận dạng sinh trắc học như Touch ID của Apple. Khi có được lệnh khám xét của tòa án, cảnh sát có thể buộc người dùng nhấn tay vào điện thoại di động để mở khóa nó.
Gần đây, một tòa án liên bang ở Los Angeles đã ký lệnh cho phép FBI buộc một phụ nữ 29 tuổi nhấn tay vào chiếc iPhone mà cảnh sát đã lấy được từ nhà bạn trai của cô. Anh ta bị tình nghi là thành viên của một băng nhóm tội phạm. Đây là lần đầu tiên một người bị tình nghi buộc phải mở khóa iPhone bằng Touch ID theo lệnh của tòa án.
Trong thời gian tới, công việc điều tra của cảnh sát sẽ liên quan đến các thiết bị cá nhân như smartphone nhiều hơn. Và công nghệ nhận dạng sinh trắc học đang trở nên ngày càng phổ biến. Khi ngày càng nhiều người tải thông tin và dữ liệu liên quan đến công việc của họ vào điện thoại cá nhân, các công ty sẽ trở thành nạn nhân tiềm năng của những vấn đề pháp lý liên quan đến công nghệ sinh trắc học
.
“Chỉ cần một cú quét vân tay của nhân viên, quyền kiểm soát thông tin có thể tuột khỏi tầm tay của các công ty”, Bond cảnh báo.