Quang cao chinh 20 bàn phím gaming
Quảng cáo chính 2 bàn phím chuột
Quảng cáo chính 13 tai nghe
Quảng cáo chính 4 cáp mạng
Quảng cáo chính 1 sản phẩm
Trước đây, Intel ban đầu mong muốn có được những chip xử lý “thu nhỏ” từ các dòng chip x86 Wintel dành cho máy để bàn nhằm đạt hiệu quả vận hành tốt hơn – đủ cho các thiết bị di động như điện thoại và máy tính bảng. Tuy nhiên chiến lược này tới nay đã bị huỷ bỏ - một phần lớn là bởi người khổng lồ bán dẫn Mỹ muốn tập trung hơn vào các giải pháp sản phẩm cho modem, trung tâm dữ liệu, Internet of Things và bộ nhớ.
 
Dù đạt được một số thành công nhất định trong sân chơi di động, Atom vẫn không thể trụ được trước sức ép của đối thủ.
Sai một li, đi một dặm
Dù có quy mô toàn cầu không thua kém Apple, doanh thu của Intel trong suốt năm 2015 vừa qua chỉ bằng khoảng ¼ so với đồng hương. Nếu tính riêng mảng kinh doanh sản phẩm hoàn thiện, con số này còn tệ hại hơn nhiều. Thực tế, phần lớn các sản phẩm Apple đều sử dụng chip Ax do Apple tự thiết kế và đặt hàng chế tạo. Trong khi đó, các loại khác (như máy Android) hầu như dựa vào kiến trúc ARM – cũng là thứ mà Apple đã đồng thiết kế từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước (nhằm sử dụng trong các máy bảng Newton MessagePad của họ). Điều này khiến cơ hội cho Atom càng trở nên mong manh và gặp nhiều khó khăn trong việc gia nhập cuộc chơi di động. Tuy nhiên, mọi thứ đều có nguyên do của nó.
 
Nếu nhận lời đề nghị sản xuất chip cho sản phẩm di động Apple, có thể câu chuyện của Intel sẽ khác?
 
Ít ai biết rằng, những khó khăn mà Intel đang phải đối mặt lại bắt nguồn từ một quyết định mà cựu CEO Paul Otellini đưa ra vào năm 2006. Theo đó, Intel quyết định không tham gia cung cấp chip cho iPhone thế hệ đầu tiên của Apple với lý do không đáng để làm. Thay vào đó, hãng chỉ tập trung cung cấp các dòng chip x86 (Core 2 Duo) cho hệ máy tính cá nhân (Macbook, iMac, Macbook Pro…) mà thôi.
Bốn năm sau đó, Intel lại mong muốn chiếm lại “cảm tình” của Apple trên sân chơi di động với Silverthorne – một chip Atom x86 mới được kỳ vọng sẽ hiện diện trong thế hệ iPad đầu tiên. Tuy nhiên, Apple khi ấy đã bỏ qua Atom và tự phát triển dòng sản phẩm ARM của riêng mình (chip A4). Chip này sau đó có mặt trong cả iPad thế hệ đầu tiên, iPhone 4 và Apple TV.
 
Thất bại với Android, tuyệt vọng với Microsoft
Trong những năm sau đó, Microsoft dường như cũng là một trong những điểm tựa mà Intel có thể trông cậy để phát triển cuộc chơi Atom mới – một phần vì lịch sử hợp tác dài lâu giữa hai bên. Về phần mình, hãng phần mềm Mỹ lại “giáng” thêm một đòn cho đối tác khi quyết định tung ra một sản phẩm hỗ trợ nỗ lực nền tảng ARM mang tên gọi Windows RT. Dự án này hướng tới mục tiêu đưa Windows lên các dòng sản phẩm chip ARM như Qualcomm Snapdragon, TI OMAP hay nVIDIA Tegra… nhằm giúp các dòng sản phẩm máy tính cá nhân giá rẻ, netbook và thiết bị lai, máy tính bảng có thể cạnh tranh trước sức ép rất lớn từ iPad.
 
Surface RT là một trong những thất bại thảm hại nhất của Microsoft trong thời gian qua.
 
Tuy vậy, kết quả của những nỗ lực mới cũng chẳng mấy khả quan. Trong khi Atom hầu như không phải đối thủ của Apple A4 về thời lượng sử dụng pin thì Windows RT cũng thất bại thảm hại – kể cả trên chính máy bảng Surface RT của Microsoft với phần cứng nVIDIA Tegra.
Quá thất vọng với bước đi của Microsoft, Intel ngay lập tức tính tới chuyện hỗ trợ hệ điều hành di động của Google – khi ấy đang là Android 3.0 (Honeycomb). Đây cũng là một trong những đối thủ mạnh có thể tạo thế cạnh tranh với iPad. Nếu thành công trong việc thuyết phục các nhà sản xuất thiết bị Android sử dụng chip Atom, Intel rõ ràng có thể tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.
 
Nỗ lực mới thực tế cũng cho thấy một số triển vọng khi ngay từ cuối 2011, Google và Intel cũng đã công bố nhiều kế hoạch về việc hợp tác phát triển các phiên bản Android trong tương lai được tối ưu cho bộ xử lý Intel. Đây là động thái được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm Android-Atom cũng như độ trễ trong việc đưa chúng ra thị trường. Tuy nhiên, kể từ sau đó, Android hầu như chẳng đem lại mấy ích lợi trong việc giúp Intel khai phá thị trường điện thoại thông minh cũng như máy tính bảng. Thậm chí, bất chấp các khoản đầu tư hàng tỷ USD cho việc phát triển máy tính bảng Android, nhóm sản phẩm này cũng chẳng đem lại chút lợi nhuận nào cho cả hai.
 
Dù xoay xở theo nhiều hướng khác nhau, Atom hầu như bế tắc trên thị trường dù có lịch trình phát triển khá rõ ràng.
 
Tới năm 2014, Intel đã chuyển hướng đi của mình sang việc cung cấp quyền sử dụng chip Atom x86 của mình cùng với các công nghệ 3G và LTE cho những nhà thiết kế chip Trung Quốc như Rockchip, Spreadtrum hay RDA Microelectronics trong nỗ lực xây dựng một mô hình tương tự như ARM hay Qualcomm. Đây là dự án mang tên “SoFIA”. Tuy nhiên, cho tới nay, nó cũng chẳng để lại dấu ấn đáng chú ý nào.
 
Atom bị “kết liễu”, điều gì sẽ xảy ra?
Về phần mình, Intel sẽ dừng cuộc chơi Atom “Broxton” và cả SoFIA – chỉ để lại một chip giá rẻ cho thương hiệu Atom nhằm đáp ứng nhu cầu các dòng máy tính cá nhân để bàn cơ bản (như trong Compute Stick chẳng hạn). Nói cách khác, hãng sẽ rút hoàn toàn khỏi sân chơi điện thoại thông minh và máy tính bảng cao cấp.
 
ASUS là một trong số ít những thương hiệu lớn có được thành công nhất định với Atom.
 
Trước động thái này, theo thông tin từ PC World Mỹ, nhiều đối tác đặt niềm tin vào Intel chắc chắn sẽ gặp khó. Trong đó có cả Microsoft với mẫu Surface Phone của chính Microsoft – sản phẩm vốn đã được đồn đoán khá nhiều trong năm qua với mô tả “sản phẩm với sức mạnh của máy tính để bàn trong khuôn hình điện thoại thông minh có khả năng kết nối vào màn hình và bàn phím sử dụng Microsoft Continuum để chạy các ứng dụng x86 truyền thống”. Từ bỏ Intel, Microsoft sẽ rơi vào tình huống chỉ có thể bán Windows 10 Mobile cho các thiết bị ARM trong khi Windows 10 cho máy tính cá nhân và thiết bị Hybrid như Surface Pro 4 lại chỉ chạy ứng dụng x86. Việc không thể giả lập mã nguồn x86 trên ARM khiến Windows chỉ có thể sử dụng nền tảng Windows thống nhất (Universal Windows Platform – UWP) – vốn được tung ra cùng Windows 10 nhằm đem phần mềm truyền thống tới nhiều thiết bị ở mọi mô hình và kích thước (cả điện thoại màn hình cảm ứng cho tới máy tính sử dụng chuột…).
 
Compute Stick – máy tính siêu nhỏ dựa trên nền tảng Atom - đang được Intel tiếp thị rất mạnh mẽ trong thời gian qua.
 
Dù nghe có vẻ “gọn gàng”, đây lại là một tình huống khá nguy hiểm và đã từng nhiều lần khiến Android gặp khó khăn khi các ứng dụng hầu như chỉ tập trung tối ưu cho điện thoại thông minh – điều khiến cho chúng vận hành kém hiệu quả hoặc thậm chí là vô dụng khi người dùng cài lên máy tính bảng hay các dòng máy tính để bàn, máy tính lai khác. Trong khi đó, bản thân UWP cũng chưa được cộng đồng đón nhận một cách nhiệt tình do phần mềm truyền thống chủ yếu vẫn tối ưu cho máy tính với chuột và hệ điều hành x86 trong khi môi trường Windows 10 Mobile lại có sức phát triển quá èo uột và không đem lại mức lợi nhuận đủ để tạo động lực cho các nhà phát triển ứng dụng tham gia vào sân chơi này.
 
Vậy, tương lai của Intel sẽ nằm ở đâu khi rút ra khỏi thị trường di động đầy béo bở? Trên trang blog chính thức của hãng, CEO Brian Krzanich chia sẻ năm lĩnh vực mà ông tin rằng cần tập trung trong thời gian tới. Đó là:
  • Điện toán đám mây là xu hướng quan trọng nhất đang định hình tương lai của thế giới kết nối, thông minh – nơi mà Intel sẽ đặt tương lai của mình vào đó.
  • Những thiết bị Internet of Things đang tạo ra ngày càng nhiều giá trị thông qua việc kết nối vào điện toán đám mây.
  • Các giải pháp bộ nhớ và giải pháp lập trinh được như FPGA sẽ tạo ra dải sản phẩm hoàn toàn mới cho các trung tâm dữ liệu và Internet of Things.
  • 5G sẽ là công nghệ cốt lõi đối sự phát triển của điện toán đám mây trong bối cảnh xã hội đang hướng tới thế giới luôn luôn kết nối.
Định luật Moore sẽ tiếp tục đúng và Intel sẽ tiếp tục duy trì sức ảnh hưởng hàng đầu đối với kinh tế của mình.
“Bản thân chiến lược của chúng tôi nhắm tới việc chuyển đổi Intel từ một công ty máy tính cá nhân thành một công ty đứng sau nền tảng điện toán đám mây và hàng tỷ các thiết bị điện toán thông minh, kết nối” – thông báo của Intel có đoạn. Thực tế, việc tập trung vào thị trường thiết bị kết nối cũng là một lựa chọn hợp lý – dù có phần khá lạ lẫm với một tên tuổi vốn thường được biết đến nhờ các sản phẩm máy tính cá nhân. Vào lúc này, Internet of Things vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và chắc chắn sẽ có những bước tiến lớn trong thời gian tới. Việc tập trung vào 5G cho thấy Intel đã nhắm sẵn vào các cơ hội trong tương lai bởi khi có mặt, đây sẽ là nền tảng cho vô số các thiết bị với nhu cầu rất lớn về kết nối và băng thông dữ liệu siêu rộng.
 
Việc rút khỏi sân chơi di động đồng nghĩa rằng Intel sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn rất lớn trong thời gian tới.
 
Cho tới khi đó, với việc Intel bỏ cuộc chơi, Microsoft gặp khó, Apple rõ ràng là công ty hưởng lợi lớn nhất trên thị trường di động vài năm tới. Ngay vào lúc này, hãng đang sở hữu nền tảng rất hùng mạnh dựa trên iOS với phần cứng được tối ưu rất rõ ràng (chỉ gồm iPhone và iPad). Sự nhất quán này thậm chí đã bắt đầu thu hút được nhóm khách hàng khó tính trong giới doanh nghiệp. Theo số liệu do IDC đưa ra, iPad hiện đang chiếm tới 72% thị phần máy bảng thương mại tại Mỹ (bao gồm cả các nhóm khách hàng doanh nghiệp, chính phủ lẫn giáo dục, y tế…) – điều mà cả Intel và Microsoft đều đã từng mơ tới nhưng rất tiếc không thể đạt được.

 

(TAKO tổng hợp)

0888342020

Công ty TNHH Điện tử công nghệ Tường An - TAKO * Giấy CNĐKDN: 0101910340 cấp ngày 25/06/2010 do Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP. HN cấp * Người đại diện: Nguyen Hanh

Địa chỉ: Số 3 lô 1C khu đô thị Trung Yên (ngõ 58 Trung Kính rẽ phải), Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.* Chi Nhánh: 172/10 Đặng Văn Ngữ, P.13, Q. Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh * Điện thoại: (024) 37 833 833