Chúng ta sử dụng Wifi như một thứ không thể thiếu trong thế giới hiện đại, nhưng đằng sau Wifi vẫn còn rất nhiều câu chuyện mà chúng ta chưa biết. Đó chính là giới hạn về tốc độ mà các kỹ sư đang gặp phải.
Một bộ phát Wifi luôn bao gồm 2 đường tín hiệu là gửi đi và nhận về, 2 đường này được ký hiệu là Tx và Rx. Đối với những loại Router rẻ tiền chỉ có 1 ăng ten, 2 đường Rx và Tx này sẽ phải dùng chung nhau 1 ăng ten khiến chip xử lý phải đứng ra "phân luồng" để tín hiệu Rx và Tx chuyển đi lần lượt. 1 Tx gửi đi rồi mới đến 1 tín hiệu Rx nhận lại.
Để khắc phục tình trạng "đường 2 chiều" như trên, người ta đã nghĩ ra cách sử dụng 2 ăng ten, để tạo thành 2 đường truyền 1 chiều, 1 ăng ten chuyên phát tín hiệu Tx, và 1 ăng ten chuyên nhận tín hiệu Rx. Qua đó các tín hiệu gửi đi và nhận lại sẽ liên tục không bị gián đoạn.
Và việc không thể truyền tín hiệu gửi đi và nhận lại trên cùng 1 ăng ten chính là giới hạn vẫn đang còn tồn tại trên tất cả các bộ phát Wifi ngày nay.
Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã có một bước tiến lớn trong ngành công nghệ không dây, đó là phát triển thành công con chip Wifi có khả năng truyền tín hiệu đi và nhận tín hiệu quay về trên cùng 1 ăng ten. Nhờ đó, thay vì phải dùng 2 ăng ten cho 2 làn tín hiệu ngược chiều, người ta đã có thể nhập nó vào làm một và truyền được liên tục mà không bị rối loạn sóng.
Nhờ công nghệ mới này, các bộ Router giờ đây có thể giảm tới 1 nửa số "râu". Điều này đồng nghĩa với việc, nếu có cùng lượng Ăng ten thì công nghệ mới sẽ cho tốc độ gấp đôi công nghệ cũ.
Cách xử lý tín hiệu này được gọi là Full-duplex communications, nó cho phép người dùng có thể truyền thông tin từ cả 2 phía cùng lúc và cùng tần số. Nó giống như khi gọi điện thoại, cả 2 phía đều có thể nói cùng lúc, còn bộ đàm thì cùng lúc chỉ cho 1 tính hiệu cùng tần số gửi đi trong cùng 1 thời điểm. Khi đó chúng ta gọi điện thoại là Full-duplex còn bộ đàm là Half-duplex.
Trưởng nhóm nghiên cứu Harish Krishnawamy cho biết: "Các bạn hãy tưởng tượng công nghệ này giống như trong một buổi họp, 2 người có thể nói cùng lúc mà vẫn nghe được người đối diện đang nói gì".
Việc phát triển loại chip mới này có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong truyền dẫn không dây bằng sóng vô tuyến chứ không chỉ riêng với sóng Wifi. Nhờ công nghệ mới này người ta sẽ tạo ra được những thiết bị không dây, nhỏ hơn, nhẹ hơn nhưng lại mạnh mẽ hơn