(Tamnhin.net) - Với khả năng rửa được nhiều dụng cụ ăn uống phức tạp như nồi chảo, mâm... tiết kiệm thời gian, tiêu hao năng lượng ít, rất hữu dụng và tiện ích, chiếc máy rửa bát mang tên RB-NTT đoạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thái Bình 2008-2009.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, 29 tuổi quê ở Vũ Thư, Thái Bình sau nhiều năm ấp ủ đã trở thành người sáng tạo chiếc máy rửa bát mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên. Khắc phục những nhược điểm của những máy rửa bát nhập ngoại, chiếc máy rửa bát của anh có nhiều ưu điểm vượt trội hơn.
Đẹp, giá rẻ, chất lượng tốt…
Thấy người mẹ già của mình vất vả mỗi khi rửa bát, đặc biệt là mùa đông giá rét với khả năng sáng tạo anh Ngọc đã làm ra chiếc máy rửa bát của riêng mình.
Gặp cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ của tỉnh, anh đã đăng ký tham gia và đoạtgiải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thái Bình 2008-2009 và đã đăng ký bản quyền tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Chiếc máy rửa bát mang tên RB-NTT thiết kế gọn nhẹ (nặng 45kg, cao 1m, rộng 60cm), khả năng rửa được nhiều dụng cụ phức tạp như nồi chảo, mâm; tiết kiệm thời gian, tiêu hao năng lượng ít (khoảng 700.000đ/ năm) tức là 2000đ/ngày, công nghệ chế tạo đơn giản, chất lượng máy ổn định, tự động, độ ồn thấp, giá thành thấp rất phù hợp với người Việt Nam.
Máy làm việc hoàn toàn tự động thông qua hệ thống rơle, van tự động ngắt đã được lập trình sẵn. Sau khi người sử dụng xếp các loại bát, đĩa, thìa… lên 3 giá của máy, đậy nắp lại và ấn nút điện, máy bắt đầu làm việc. Điện vào các rơle van từ, máy tự động đun nước nóng đạt 70 độ C (khoảng 15 phút), sau đó động cơ và van từ đóng điện cùng một lúc.
Động cơ hút nước rửa và bơm nước sạch vào hệ thống quay làm trục chính quay phun nước trực tiếp lên các bề mặt cần rửa làm ướt, phân hủy thức ăn và dầu mỡ bám trên bát, đĩa. Một phút sau động cơ và van từ đóng điện bơm nước nóng vào rửa và tráng bát (40 giây).
Kết thúc giai đoạn này, máy sấy quạt hút được bật lên, sấy khô bát đĩa… thời gian sấy 16 phút. Đến phút thứ 32 máy tự động ngừng hoạt động, quá trình rửa, sấy khô bát đĩa hoàn tất.
Máy rửa bát còn làm chức năng chạn đựng bát sau khi quy trình rửa bát diễn ra. Đằng sau máy có khoang chứa nước rửa bát có thể sử dụng trong 1 tháng.
Chiếc máy với giá bán khoảng 5 triệu, rẻ hơn nhiều so với máy nhập ngoại (từ 5-10 lần) mặc dù cùng công suất lại phù hợp với đồ dùng nhà bếp của người Việt Nam.
Nguyên lý sáng tạo này còn được áp dụng để chế tạo ra máy rửa bát công nghiệp phục vụ cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn… đem lại hiệu quả cao.
Chiếc máy RB-NTT hoàn chỉnh
Thiếu vốn đầu tư, thiếu "e;đầu ra"e;...
Sau khi sản phẩm được giải, anh Ngọc đã bán được 2 chiếc RB-NTT và gia đình đã thử nghiệm rửa trong 1 tháng, sau đó không dùng nữa vì lượng bát đũa hằng ngày quá ít không đáng dùng máy. Chiếc máy phải để ngoài trời mặc dù đó là sản phẩm rất hữu ích, đầy tiềm năng.
Khó khăn nhất là đưa sản phẩm ra thị trường. Anh Nguyễn Văn Ngọc đã gặp rất nhiều khó khăn về tài chính vì nguồn tài chính của gia đình eo hẹp, lại không có tài sản thế chấp để vay vốn sản xuất... Chính vì vậy, anh Ngọc không có đủ vốn để mở một xưởng sản xuất kinh doanh.
Rất đau lòng vì sản phẩm rất hữu ích của mình đành xếp xó, anh Ngọc có ý định hoặc bán bản quyền hoặc thế chấp sổ đỏ để có thể tự mở xưởng sản xuất, nhập vật liệu để chế tạo hàng loạt, bán trên diện rộng.
Thực tế trên cho thấy mặc dù người Việt Nam có thể tự sáng tạo ra hàng hóa Việt Nam chất lượng cao nhưng lại không có đủ điều kiện để đưa những sản phẩm đó đến với người tiêu dùng. Thật đáng tiếc cho những sáng tạo có giá trị sử dụng cao đành phải xếp xó vì khó khăn về vốn, cơ sở sản xuất và không được hỗ trợ một cách thỏa đáng.
Chính Chi