Quang cao chinh 20
Quảng cáo chính 2
Quảng cáo chính 13
Quảng cáo chính 4
Quảng cáo chính 1

Chặng đường dài ấy bắt đầu từ hình thức truyền tin đầu tiên là truyền miệng với sự chính xác tùy thuộc vào quy mô mỗi sự kiện cũng như mối tương quan của nó với người nghe. Đế chế La Mã sau thời Julius Caesar thường ra thông báo hàng ngày dưới dạng viết tay tới các thuộc địa, còn các triều đình phong kiến ở VN cũng dán cáo thị để ban bố những nội dung quan trọng.

Cách mạng movable type lần thứ nhất

Phương pháp in ấn "movable type", ra đời năm 1448, của thợ kim hoàn Johannes Gutenberg được coi là một trong những phát kiến lớn nhất trong lịch sử báo chí hiện đại. Trước đó, người Trung Quốc vẫn sử dụng thuật khắc chữ trên gỗ rồi in ra giấy vào khoảng năm thứ 600 sau công nguyên và thuật in gốm vào năm thứ 1.000. Còn Gutenberg chọn chất liệu kim loại, nhưng không khắc chữ trực tiếp như của Trung Quốc mà ký tự sẽ được tạo rời rạc. Người ta nhập (type) các chữ này vào khuôn và có thể sắp xếp, đổi chỗ cho nhau (movable) để sáng tác thông điệp bất kỳ trước khi in ra một chất liệu nào đó.

Johannes Gutenberg và những con chữ kim loại.
Johannes Gutenberg và những con chữ kim loại. Ảnh: Wikipedia.

Cuốn Kinh thánh đầu tiên được in theo phương pháp movable type xuất hiện năm 1456 và chỉ sau 44 năm, hệ thống này có mặt ở 12 nước châu Âu với khoảng 20 triệu cuốn sách. Những "tờ báo" đầu tiên, có tên news book (sách tin), lần lượt ra đời ở thế kỷ thứ 16. Đến thế kỷ tiếp theo, thuật ngữ "newspaper" (báo chí) trở nên phổ biến với tờ Strasbourg Relation ở Đức hay Oxford Gazette (sau được đổi thành London Gazette và hiện vẫn được xuất bản) của Anh năm 1665.

Báo điện tử - điểm sáng của cuộc cách mạng thông tin
Báo giấy điện tử - kênh thông tin mới đang hình thành

Một mốc đáng nhớ nữa là máy in linô (linotype) năm 1884 của kỹ sư người Đức sống tại Mỹ Ottmar Mergenthaler. Với bàn phím như máy đánh chữ (typewriter), linotype cho phép máy in nhập ký tự bằng cách vận hành cơ học thay vì bằng tay. Cùng thời điểm đó là sự ra đời của thuật in thạch bản offset (hình ảnh được phết mực trên tấm kim loại mỏng được chuyển sang một lớp cao su rồi mới in vào giấy) giúp báo in trở thành phương tiện truyền thông chính.

Vào khoảng thế kỷ thứ 19, một số công ty triển khai mô hình cập nhật tin tức qua đường điện thoại cố định (telephone newspaper). Ví dụ, "báo điện thoại" Telefon Hírmondó, được thành lập năm 1893 ở Hungary, cung cấp thông tin về tình hình thời sự, chứng khoán, hòa nhạc và các khóa học ngôn ngữ tới những người đăng ký thuê bao dịch vụ qua telephone.

Hình thức trên biến mất khi radio thịnh hành. Chương trình đầu tiên được gọi bằng thuật ngữ "phát thanh" (broadcast) được nhà phát minh Reginald Fessenden (1866-1932) người Canada truyền đi vào đêm Giáng sinh năm 1906. Cho tới thập niên tiếp theo, một số kênh radio được thương mại hóa và không kèm quảng cáo. (Hiện nay, radio hoạt động trên Internet được đánh giá cao do không đòi hỏi đăng ký băng tần, thiết lập các đài phát thanh và bộ truyền tín hiệu mà vẫn có thể gửi thông tin tới mọi nơi trên thế giới).

Năm 1911, nhà khoa học Boris Rosing thành công trong việc tạo hệ thống TV sử dụng bộ phân hình gương để phát hình tới ống điện tử Braun (ống cathode) trong đầu nhận. Cùng với nhiều bước phát triển quan trọng sau đó, đến cuối những năm 40 của thế kỷ trước, đài phát thanh tỏ ra hoàn toàn lép vế trước TV, nhất là trong mảng phim hài, kịch, thể thao... Tuy nhiên, dù các chương trình TV và radio ngày một phong phú, chúng không thay thế mà hoạt động song song với báo in. Hiệp hội báo chí quốc tế (WAN) ước tính hiện vẫn có khoảng 1 tỷ người đọc báo giấy mỗi ngày.

Về sau, nhân loại sẽ đọc tin chủ yếu qua máy tính và các thiết bị kết nối Internet. Ảnh: Britannica.

Cuối thế kỷ 20, nhân loại chứng kiến sự "bành trướng" của máy tính cá nhân. Soạn văn bản trên desktop không chỉ đơn giản hóa quá trình in ấn mà cùng với Internet, nó thúc đẩy sự ra đời của báo điện tử. Báo điện tử, hay còn gọi là báo mạng, hội tụ đủ những thế mạnh của báo giấy (text và photo), báo tiếng (audio) và báo hình (video). Chưa kể, khả năng kết nối toàn cầu giúp thông tin có sức lan tỏa với tốc độ khó đoán trước. Đa số báo điện tử hiện nay được phát hành miễn phí với doanh thu chủ yếu là từ quảng cáo. Một số báo online ở Mỹ đã triển khai hình thức thu phí thuê bao thành công là Wall Street JournalThe Chronicle of Higher Education. Steve Ballmer, Giám đốc điều hành tập đoàn phần mềm Mỹ Microsoft, dự đoán 10 năm nữa sẽ chẳng còn ai đọc tài liệu trên giấy nữa.

Ảnh: PlasticLogic.
Mô hình báo giấy điện tử. Ảnh: PlasticLogic.

Năm 2006, nhật báo De Tijd (Thời đại) của Bỉ đã thử nghiệm phát hành nội dung trên giấy điện tử (e-paper), trong đó các thông tin được liên tục cập nhật như trên báo mạng. Điểm khác biệt là người đọc có thể cuộn thiết bị lại và mang theo bên mình. Báo giấy điện tử De Tijd đã thu hút vài trăm người đăng ký đặt mua.

Cách mạng Movable Type lần hai

Một mảng nội dung khác trên Internet, tuy không thuộc lĩnh vực báo chí, hứa hẹn sẽ làm thay đổi phương thức hoạt động của các phương tiện truyền thông hiện nay là blog, mạng xã hội và các website chia sẻ ảnh, video.

Năm 2001, tức sau gần 6 thế kỷ, "movable type" lại hồi sinh. Cuộc khủng hoảng dotcom khiến một phụ nữ có tên Mena Trott, sống tại San Francisco, Mỹ lâm vào cảnh thất nghiệp. Bà dành hầu hết thời gian rảnh rỗi lập web cá nhân Dollarshort và kể về những chuyện vui buồn thời thơ ấu. Trang này nhanh chóng nổi tiếng và Mena cùng chồng là Ben Trott quyết định phát triển một công cụ hỗ trợ viết blog hiệu quả hơn. Phần mềm Movable Type hiện nay là sự lựa chọn số một của nhiều blogger danh tiếng và nằm trong những công cụ tạo web cá nhân hàng đầu do tạp chí Forbes bình chọn.

Hệ thống "movable type" đầu tiên đánh dấu sự ra đời của khái niệm truyền thông đại chúng (mass media), còn Movable Type lần hai lại báo hiệu giai đoạn truyền thông cá nhân (personal media) và báo chí công dân (CJ - citizen journalism).

Điện thoại camera và máy ảnh giá rẻ cùng web cá nhân là công cụ
Điện thoại camera và máy ảnh giá rẻ cùng web cá nhân là công cụ "tác nghiệp" của nhà báo nghiệp dư. Ảnh: API Ning.

Khái niệm CJ được nhắc tới từ vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy ngày 22/11/1963. Nhà nhiếp ảnh nghiệp dư Abraham Zapruder (1905-1970) tình cờ ghi lại được khoảnh khắc kinh hoàng này và nhiều hãng truyền thông đã chạy đua để mua được những hình ảnh đó. Rồi đến thảm họa 11/9/2001 khi máy bay không tặc đâm vào tòa tháp đôi ở New York (Mỹ), trận sóng thần kinh hoàng tại châu Á năm hay 2004 hay vụ đánh bom tàu điện ngầm ở London (Anh) năm 2005 đều được ghi lại bằng điện thoại di động, máy ảnh và được phản ánh đầy đủ qua blog, vlog, podcast, mạng xã hội và các website chia sẻ như Flickr, YouTube... Ở Việt Nam, những clip như vụ tỏ tình rúng động Đại học Bách Khoa hay loạt ảnh cảnh sát bắt taxi "điên"... cũng cho thấy mọi công dân đều có thể trở thành nhà báo.

Trào lưu này đang ảnh hưởng không nhỏ đến mô hình hoạt động của báo chí. Một số hãng tin như Reuters đã khuyến khích nhà báo công dân chia sẻ thông tin mà họ thu lượm được trong đời sống thường nhật. Jerry Michalski, một chuyên gia tư vấn về các công cụ nghe nhìn, nhận xét. "Không phải mọi nội dung trên blog đều đắt giá, mọi podcast là bản giao hưởng, mọi vlog sẽ được chiếu tại Liên hoan phim Sundance, hay mọi mục từ trên Wikipedia đều chính xác. Nhưng báo chí chính thống và cả từ điển bách khoa toàn thư Britannica cũng mắc lỗi đấy thôi".

(Vn)

0888342020

Công ty TNHH Điện tử công nghệ Tường An - TAKO * Giấy CNĐKDN: 0101910340 cấp ngày 25/06/2010 do Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP. HN cấp * Người đại diện: Nguyen Hanh

Địa chỉ: Số 3 lô 1C khu đô thị Trung Yên (ngõ 58 Trung Kính rẽ phải), Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.* Chi Nhánh: 172/10 Đặng Văn Ngữ, P.13, Q. Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh * Điện thoại: (024) 37 833 833