Quang cao chinh 20 bàn phím gaming
Quảng cáo chính 2 bàn phím chuột
Quảng cáo chính 13 tai nghe
Quảng cáo chính 4 cáp mạng
Quảng cáo chính 1 sản phẩm

Chưa ngã ngũ

Một nguồn tin thân cận với quá trình thương thảo đã xác nhận thông tin này với AP. Tuy nhiên, ông ta không muốn tiết lộ danh tính vì các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và có thể sẽ chẳng đi đến một thoả thuận cuối cùng nào hết.

Nhưng bất chấp điều đó, giá cổ phiếu của Sun vẫn cứ tăng vọt thêm 3,92 USD, tương đương 79% để đóng cửa ở mức 8,89 USD. Giới đầu tư rõ là nô nức, bởi họ hy vọng IBM sẽ trở thành cái phao cứu sinh, kéo con tàu đắm Sun ra khỏi vòng nước xoáy.

Theo AP, lĩnh vực kinh doanh của IBM và Sun cũng từa tựa như nhau, vì thế, việc sáp nhập sẽ giúp sức mạnh và vị thế cạnh tranh của họ được củng cố, đặc biệt là trên thị trường cơ sở hạ tầng điện toán.

Năm ngoái, HP đã trả tới 13,9 tỷ USD để mua lại hãng cung cấp công nghệ dịch vụ Electronic Data Systems. Còn đầu tuần trước, Cisco Systems đã công bố kế hoạch bán máy chủ - một bước đi đẩy hãng vào thế đối đầu với những đối tác lâu năm như HP và IBM.

Tất nhiên, việc hoà nhập hai nền văn hoá doanh nghiệp sẽ là một thách thức lớn. Nhiều khả năng một lực lượng lớn nhân sự của Sun sẽ mất việc, chứ không chỉ dừng lại ở con số 6000 người mà hãng này công bố hồi tháng 11 năm ngoái.

Từng là một tập đoàn hùng mạnh, song giá trị thị trường của Sun hiện tại đang ở mức khá rẻ. Trên thực tế, suốt từ khi cơn sốt dot-com xì hơi đến nay, cổ phiếu của hãng luôn trên đà tụt dốc. Bản thân Sun cũng chưa bao giờ thực sự hồi phục, nếu không muốn nói là ngày càng chìm đắm trong khó khăn và khủng hoảng.

Mua được Sun, IBM sẽ có điều kiện tiếp cận với nhiều doanh nghiệp đang sử dụng máy chủ hoặc phần mềm của Sun. Rất có thể hãng sẽ thuyết phục được số khách hàng này mua thêm máy chủ phiến hoặc các sản phẩm khác tương tự, có liên quan và do IBM chế tạo.

Nên se duyên!

Theo ước tính của IDC, hiện cả thế giới vẫn có hơn 1,6 triệu máy chủ Sun đang hoạt động. Rõ ràng là bất chấp những khó khăn về tài chính của Sun, khách hàng vẫn tin tưởng và trung thành với họ.

"Sun sở hữu một tài sản khổng lồ là công nghệ và sở hữu trí tuệ", Phó Chủ tịch nghiên cứu Jean Bozman của IDC bình luận. "Bạn cần phải nhìn Sun bằng một cái nhìn 3 chiều. Họ vừa cung cấp phần cứng, vừa bán máy chủ và thiết bị lưu trữ, lại vừa kinh doanh phần mềm.

Cần có cả 3 yếu tố này để mở đường đến với trung tâm dữ liệu thế hệ mới, chứ một hoặc hai yếu tố không thôi thì chưa đủ. Mà theo lịch sử, Sun luôn giỏi trong việc đón đầu xu hướng công nghệ mới".

Tính đến cuối năm 2008, Sun đã sở hữu 10,1% thị phần của thị trường máy chủ toàn cầu. IBM kiểm soát gần 32% còn HP xấp xỉ 30%. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng của Sun là những doanh nghiệp "đại gia" trong lĩnh vực tài chính, viễn thông và chính phủ. Đây là những khu vực mà IBM cũng có sự hiện diện khá mạnh, song hãng vẫn muốn bành trướng thị phần hơn nữa.

Kể cả trong những lúc khó khăn, Sun vẫn đầu tư mạnh tay cho R&D (Nghiên cứu và phát triển). Năm ngoái, hãng đã chi tới 1,8 tỷ USD, tương đương với 13% tổng doanh thu cả năm. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với cả IBM (6%) lẫn HP (3%).

Chính sự hào phóng và quyết liệt mà Sun dành cho R&D đã giúp hãng này luôn đi tiên phong về máy chủ cao cấp, vi xử lý dành cho máy chủ và phần mềm nguồn mở. Sun cũng là một trong những hãng  khởi xướng cho điện toán nối mạng, khi các công nghệ của hãng đóng vai trò cốt yếu trong quá trình nổi lên của mạng Internet.

Chuyên gia Rick Hanna cho rằng, nếu như Sun bán mình cho IBM, các khách hàng lâu năm của hãng sẽ cảm thấy thở phào nhẹ nhõm, rằng Sun sẽ vẫn tiếp tục có điều kiện để đầu tư mạnh tay cho các công nghệ then chốt. Đồng thời, các khách hàng của Sun cũng sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều công nghệ và dịch vụ ưu đãi hơn từ IBM.

Xe rác đụng nhau?

"Hơn ai hết, IBM sẽ là hãng tận dụng nguồn lực của Sun một cách hiệu quả nhất. Còn về phần Sun, se duyên với IBM sẽ là một sự lựa chọn giá trị trong dài hạn", bà Hanna nhận định.

Song không phải ai cũng có cái nhìn đồng tình như vậy. Tạp chí CNET đã ví von việc IBM mua lại Sun giống như "hai chiếc xe chở rác từ từ đâm vào nhau" mà tài xế chẳng hề hay biết.

Theo CNET, đúng là trên lý thuyết và mặt giấy, thương vụ này có thể giúp IBM tăng khả năng cạnh tranh với HP, còn cổ đông Sun sẽ được tận hưởng những ngày nắng mọc sau bao năm u tối.
 
Nhưng nếu xem xét kỹ sự trùng lặp giữa các sản phẩm mà Sun và IBM đang cung cấp, người ta cũng dễ dàng nhận thấy nhiều thách thức và khó khăn nghiêm trọng.

Hãy bắt đầu từ phần cứng. IBM hiện đã có 3 họ vi xử lý máy chủ quan trọng, 4 dòng máy chủ lớn, tương thích với nhiều hệ điều hành khác nhau như AIX, zOS, IBM i, Linux  và Windows.

Liệu IBM còn cần vi xử lý Sparc và hệ điều hành Solaris của Sun làm gì cơ chứ? Hãng sẽ phải mất nhiều năm để phá vỡ các bức tường ngăn cách giữa những công nghệ máy chủ khác nhau.

Đúng, Sun sở hữu khá nhiều công nghệ độc quyền tuyệt vời (như vi xử lý Niagara hiện tại và vi xử lý Rock sắp phát hành). Hãng này cũng là bậc thầy về thiết kế vi xử lý đa phân luồng. Nhưng IBM sẽ phải "tiêu hoá" và điều chỉnh để những công nghệ nói trên tương thích với vi xử lý Power do chính hãng phát triển nên.

Phần mềm cũng là một lĩnh vực khó nuốt. Việc IBM chào đón Java đã giúp hãng này thành công hơn trên địa hạt máy chủ, nhưng với Sun, Java còn hơn cả một công nghệ độc quyền. Nó là tầm ảnh hưởng tới cả ngành công nghệ, là vị thế, là uy danh.... những thứ còn quan trọng hơn cả tiền bạc.

Văn hoá doanh nghiệp

Rồi thì cả Sun và IBM đều kinh doanh cả phần mềm độc quyền lẫn phần mềm nguồn mở. IBM hậu thuẫn cho Linux từ khá sớm, hỗ trợ phần mềm máy chủ Apache và sáng lập ra dự án công cụ lập trình Eclipse. Nhưng nhờ có hai tài sản phần mềm lớn nhất là MySQL và Java, Sun đã nhảy cóc qua mặt IBM khá dễ dàng.

Tuy nhiên, kiếm được tiền từ phần mềm nguồn mở chẳng dễ dàng gì. Vì vậy, sức hấp dẫn của phần mềm Sun cũng không quá "ngời ngời, nổi bật" như người ta hằng nghĩ.

Điện toán đám mây cũng là một lĩnh vực mà Sun có đôi chút kinh nghiệm lẫn ưu thế. Nhưng IBM cũng vậy. Kể cả khi không có Sun, IBM vẫn có thể một mình một ngựa chinh chiến tốt trên mặt trận này.

Rồi thì văn hoá doanh nghiệp nữa chứ. Sun là một công ty cởi mở, tự do và khoáng đạt, nơi sẵn sàng thử nghiệm nhiều ý tưởng cùng lúc để kiểm tra xem những công nghệ nào có thể trụ lại.

IBM thì tỏ ra bảo thủ và bận tâm nhiều hơn đến chuyện kinh doanh. Mỗi bước đi của IBM thường phải mất vài năm để triển khai, bởi gã khổng lồ luôn thận trọng.

Tất nhiên, IBM có thể loại bỏ những vấn đề về khác biệt văn hoá bằng một thao tác hết sức đơn giản: sa thải hàng ngàn nhân viên của Sun.

Mô hình gần giống nhất với thương vụ IBM-Sun trong lịch sử chính là vụ HP mua lại Compaq hồi năm 2002. Danh mục sản phẩm của hai hãng này cũng chồng chéo nhằng nhịt lên nhau, song HP đã nhanh chóng khắc phục được. Lấy thí dụ, họ lập tức thay thế dòng máy chủ x86 của HP bằng dòng máy chủ mạnh hơn của Compaq.

Cái khó cho IBM là họ sẽ phải tính toán, xác định xem công nghệ nào của IBM mạnh hơn để giữ lại, và công nghệ nào kém hơn của Sun để thay thế. Công đoạn này sẽ phải tiến hành càng nhanh càng tốt, đó cũng là một thách thức nữa cho IBM.

(24h)

0888342020

Công ty TNHH Điện tử công nghệ Tường An - TAKO * Giấy CNĐKDN: 0101910340 cấp ngày 25/06/2010 do Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP. HN cấp * Người đại diện: Nguyen Hanh

Địa chỉ: Số 3 lô 1C khu đô thị Trung Yên (ngõ 58 Trung Kính rẽ phải), Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.* Chi Nhánh: 172/10 Đặng Văn Ngữ, P.13, Q. Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh * Điện thoại: (024) 37 833 833