Quang cao chinh 20
Quảng cáo chính 2
Quảng cáo chính 13
Quảng cáo chính 4
Quảng cáo chính 1

Mảnh đất không màu mỡ

Khi Internet ra đời và trở thành phương tiện hữu ích trong giáo dục thì cũng là lúc nhiều trường đại học, cao đẳng xây dựng trang web riêng của trường mình. Phần lớn các website này được lập ra với mục đích thông báo, tuyên truyền những hoạt động của nhà trường, là nơi để các sinh viên có thể giao lưu, trao đổi với nhau và với giáo viên.

Chi phí để xây dựng một website cho trường là con số khá lớn, có khi lên tới nhiều triệu đồng. Số tiền chi ra hàng tháng cho việc thuê server và quản trị trang web cũng không dưới vài trăm USD. Khoản tiền đầu tư cho sự ra đời và tồn tại của các trang web lớn như vậy nhưng “mặt tiền” của những trang web này thường không được “tỉa tót” cẩn thận.

web.jpg

Ảnh chỉ có tính minh họa

Phần lớn trang web của các trường có giao diện rất khô khan, kém hấp dẫn vì được mở đầu bởi trang chủ khá đơn giản, chỉ có tên và biểu tượng truyền thống của trường với chất lượng hình ảnh không mấy tốt, màu sắc đơn điệu.

Lướt qua một số các trang web như trang web của Đại học Thương mại, Học viện Tài chính, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Văn hóa Hà Nội... mới thấy các website này muôn hình muôn vẻ, không theo một quy chuẩn nào. Trang thì ngổn ngang đủ loại logo, với màu sắc lòe loẹt, trang thì toàn chữ là chữ, trang thì lại chú trọng vào việc tập hợp tin tức thời sự từ báo chí hơn là đưa ra những thông tin chính của trường…

Khi được hỏi, rất nhiều sinh viên cho biết, vào thời gian rảnh, họ rất thích lướt web, nhưng hầu như là vào những trang web cá nhân (hay còn gọi là blog) hoặc trang giải trí, báo điện tử… chứ rất hiếm khi vào trang web của trường mình.

Theo thống kê từ trang web Alexa.com, số người truy cập vào các trang web của các trường ĐH ở Việt Nam trung bình trong 1 ngày thấp hơn rất nhiều so với những trường ĐH khác trên thế giới. Có những trang web số người truy cập/ngày chỉ tính trên đầu ngón tay… Đó là một con số rất nhỏ so với số lượng học sinh, sinh viên trong chính ngôi trường đó.

Thờ ơ với chính “ngôi nhà” của mình

Nguyễn Nhật Minh, sinh viên ĐH Xây dựng cho biết: Thỉnh thoảng mình cũng có vào website của trường, về giao diện thì mình cũng không mấy quan tâm nhưng nội dung còn sơ sài quá. Thực sự mình chưa quan tâm lắm đến nó.

Cũng như Minh, bạn Thanh Mai, sinh viên Đại học Thương mại nói: Mình mới vào website của trường một vài lần khi mới vào trường, còn lâu lắm rồi cũng không ngó tới vì thông tin không cập nhật, những thông tin cần thì tìm mãi chẳng thấy đâu.

Phần lớn các sinh viên khi được hỏi đều cho biết họ không mấy hào hứng với website của trường. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là vì họ không tìm thấy điều gì gần gũi với mình ở đó. Phần lớn các  website được dành để giới thiệu về cơ cấu tổ chức, các phòng ban đoàn thể, lịch sử của trường, các thành tích mà nhà trường đã đạt được... Tuy nhiên, những thông tin đó nhiều khi chỉ mang tính hình thức.

Có những website chỉ chú trọng đến việc đưa lên những thông tin về những sự kiện lớn của đất nước liên quan đến chuyên ngành của mình, nhưng không nhiều trường chú trọng đến việc cung cấp thông tin cho sinh viên về những hoạt động mà họ đang quan tâm như: kế hoạch hoạt động của trường, lịch thi, tra cứu điểm thi học kì, những kì nghỉ trong năm, chính sách học bổng... hay những diễn đàn để họ có thể giao lưu, trao đổi với nhau…

Hiện có nhiều trường đã tạo hẳn một diễn đàn trên trang web để các sinh viên “họp mặt” trên đó. Tuy nhiên để tạo ra một diễn đàn thì dễ, nhưng để thu hút đông đảo các thành viên và để duy trì sự tồn tại của diễn đàn trên các website này là một điều không hề dễ dàng. Và số phận những diễn đàn này cũng đồng số phận của các website… một ngôi nhà chung ít người “viếng thăm”.

Đáng lẽ ra, các website của trường sẽ là một kênh thông tin vô cùng hữu ích đối với các sinh viên thì giờ đây chúng lại ở trong tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”… hình thức chưa bắt mắt, nội dung xa lạ, kém phong phú, không thu hút được chính các sinh viên trong trường.

Việc xây dựng website của trường là hoàn toàn hợp lý nhưng không nên chỉ lập ra để cho bằng chị bằng em mà nên đầu tư xứng đáng, quản lý một cách sâu sát, thu thập, tuyên truyền thông tin một cách hiệu quả và đặc biệt là phải gần gũi, ảnh hưởng thiết thực đến các thành viên trong trường, có như thế, sự đầu tư tiền của, công sức để lập ra, duy trì các trang web mới được “đền bù” một cách xứng đáng!

(Tintuconline)

0888342020

Công ty TNHH Điện tử công nghệ Tường An - TAKO * Giấy CNĐKDN: 0101910340 cấp ngày 25/06/2010 do Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư TP. HN cấp * Người đại diện: Nguyen Hanh

Địa chỉ: Số 3 lô 1C khu đô thị Trung Yên (ngõ 58 Trung Kính rẽ phải), Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.* Chi Nhánh: 172/10 Đặng Văn Ngữ, P.13, Q. Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh * Điện thoại: (024) 37 833 833